Nguyệt San Số 15


Một Chút Sài Gòn

Tác giả: Giao Chỉ
Thể loại: Bút Ký   

     Những tiệm ăn Việt Nam trên khắp thế giới muốn hấp dẫn đồng hương đều phải đặt tên quen thuộc của các thị xã miền Nam từ Bạc Liêu đến Thừa Thiên.
     Ở San Jose có quán Cà Mâu nổi tiếng với Bún Bò và tiệm Huế lại giới thiệu phở Bắc. Có nhà hàng lại đi ngược đường lịch sử đặt tên An Nam, chuyên trị phở gà. Tiệm Vũng Tàu thừa thắng xông lên mở ra ba bốn chi nhánh. Tìm trên máy điện toán danh hiệu Little Saigon được đặt nhiều nhất từ các quán ăn cho đến các khu thương mại.   
     Dân miền Nam lưu vong hải ngoại đem theo để vương vấn khắp nơi một chút Saigon. Saigon Nhỏ nổi danh số một là ở quận Cam miền Nam California. Du khách Việt trên quê hương Hoa Kỳ rủ nhau đi đường bộ về thăm thủ đô tỵ nạn, chạy xe trên xa lộ tìm lối vào “Exit Little Saigon”, thấy vui trong bụng. Từ miền Đông, miền Trung Mỹ lái xe xuyên bang xuống Nam Cali, tưởng như thăm lại Việt Nam, gặp miền đất Tiểu Saigon, lòng dạ nôn nao. Cô sinh viên làm luận án cao học hỏi ông già về sức mạnh của cộng đồng Việt Nam là ở chỗ nào. Câu trả lời giản dị là đông đảo và tập trung.
     Đông dân mà không tập trung là không thành sức mạnh. No đói có nhau, ta gom vào một chỗ. Dù đoàn kết hay chia rẽ cứ thành được một quần cư là có sức mạnh. Sức mạnh của Little Saigon. Một chút Saigon. Saigon Nhỏ.
     Vì vậy tháng 10 năm 2007 ở San Jose nghị viên mới bàn cãi vụ đặt tên cho một khu phố thương mại. Sau bao nhiêu đấu tranh ồn ào chắc rằng cái tên Little Saigon sẽ được chọn. Sẽ có băng khánh thành. Sẽ có lá cờ lễ hội treo cột đèn. Sẽ có bảng tên hay cổng chào. Một chút Saigon của San Jose sẽ đi vào lịch sử. Tôi tán thành tên Little Saigon vì tình cảm. Mỗi tháng vẫn họp chung với các sắc dân bản xứ. Giải thích rằng đây chỉ là một chút hương vị của thủ đô miền Nam cũ. Không phải là New Saigon, không phải là Big Saigon, mà cũng chẳng phải là Great Saigon. Chỉ là chút ý niệm về Saigon nhỏ bé khiêm nhường mà thôi. Trên thực tế một đoạn đường làm sao sánh được với cả đô thị một thời là Hòn Ngọc Viễn Đông. Có thể một ngày nào đó những khu thương mại Việt Nam phát triển, lớn hơn, có các trung tâm văn hóa, có các cơ sở cộng đồng. Rồi vườn Truyền Thống Việt và Viện Bảo Tàng. Cùng với Little Saigon, rồi toàn khu sẽ trở thành Việt nam Town. Không còn bận tâm về chính trị, vì lúc đó thành phố Hồ Chí Minh đã đổi lại tên cũ Saigon. Quốc Cộng đã trở thành dĩ vãng. Và Saigon của tôi đề cập đến ở đây không phải là câu chuyện chính trị. Saigon ở đây là tình cảm.
     Tôi sinh ra ở Nam Định. Tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm từ bờ sông bến tàu vào đến hè phố chợ Rồng. Lên học ở Hà Nội vài năm, rồi vào Nam đi lính. Hà Nội chỉ còn trong sách vở và lời ca tiếng hát. Lúc rời Hà Nội không có nhiều lưu luyến như khi gặp mặt Saigon. Máy bay đưa tân binh Sinh viên sĩ quan từ Gia Lâm vào Tân Sơn Nhứt. Saigon hiện ra rộn ràng sức sống với chiếc cyclo máy nổ lớn chạy hết tốc lực. Chúng tôi dạo phố bằng một phương tiện hết sức lạ lùng. Hai chàng trai trẻ vừa xa Hà Nội năm lên 18, chưa từng biết yêu, ngồi chung một xe. Sáu chàng tuổi trẻ ngồi ba xe.Tóc xanh bay dạt về phía sau. Đường phố 5 giờ sáng còn vắng. Ba chiếc cyclo máy chạy quanh bùng binh chợ Bến Thành đủ 4 vòng rồi mới cho đám du khách Hà Nội đổ bộ Catinat.
     Ôi! Saigon của tháng 3 năm 1954. Những tấm bảng hiệu mang chữ nghĩa Nam Kỳ. Những cô gái mạnh khỏe và dạn dĩ. Những đồng tiền xé đôi. Những tô hủ tiếu đầy giá sống. Mối tình đầu với một thành phố bắt đầu theo tốc lực của xe cyclo máy, khách hàng ngồi hàng tiền đạo, chạy như bay.
     Suốt 21 năm mặc áo lính toàn chỉ biết Hậu Giang với sông nước Cửu Long. Rồi đến miền Đông Nam Phần, nhưng đi đâu cũng vẫn chung thủy với Saigon. Từ Cà Mâu, dọc ngang trên miền Năm Căn, Cái Nước đêm nào cũng ngó lên phương Bắc nhớ ánh đèn Saigon. Từ rừng lá thấp Hàm Tân, Xuyên mộc ngày nào cũng hướng về phương Nam nhớ về Saigon. Tàu bay, xe đò, xe Jeep, GMC, cứ hở ra là boong về Saigon. Saigon với những ngày Vespa chở đào thiếu tiền đổ xăng. Những xuất cine ban ngày. Những tiệm kem. Những quán ăn. Những lần lái xe Jeep chở đàn bà bị quân cảnh bắt. Thuở còn bình yên, xe Jeep lái vào dấu trong hẻm, tháo lon bỏ túi, lang thang các tiệm sách. Ghé ăn đĩa thịt bò khô gan cháy ngoài đường, thêm ly nước mía Viễn Đông.
     Từ Saigon chạy xe vào Chợ Lớn. Từ Chợ Lớn chạy ra Saigon. Đường Trần Hưng Đạo lúc ngắn lúc dài. Những ngày nằm quân y viện, phía bên kia là trường Trưng Vương. Ban ngày là tình anh lính chiến, em gái hậu phương. Ban đêm là Đêm Mầu Hồng. Saigon mưa, nồng nàn ướt át. Saigon nóng, đổ lửa trưa hè..
     Và nếu thực sự là lính tráng thì phải biết cả một Saigon trần tục, chửi thề như điên và chơi bời số dách. Những cậu bé Hà Nội vào Nam đi lính bắt đầu sự nghiệp vào đời năm 1954 với Đại Thế Giới đỏ đen và xóm Bình Khang đĩ điếm có lính Bình Xuyên gác cửa.
     Từ trung đội trưởng của tiểu đoàn 30 bộ binh nổ súng trận đầu tiên với Bình Xuyên bên Bình Đông rồi rút về với tiểu đoàn sắt ở Trung Chánh, lính tráng toàn là cựu tù binh Việt Cộng Hồi Chánh. Dòng đời Saigon dạy anh trai Bắc Kỳ thành Người qua tình yêu một thành phố trở thành tình yêu cả miền đất quê hương. Lấy vợ Nam Kỳ, đẻ con thành ra một thế hệ Saigon mới. Tiếng nói Nam chẳng ra Nam, Bắc chẳng ra Bắc. Đây là thứ ngôn ngữ đặc thù của Saigon sau cuộc di cư. Nuôi những đứa học trò Gia Long, Petrus Ký lớn dần với chiến tranh. Suốt 21 năm không kể trận Mậu thân 68, thủ đô miền Nam luôn luôn thanh bình và hạnh phúc.
     Quê vợ Hậu Giang, anh lính Bắc Kỳ suốt đời xuôi ngược hai cái bến bắc từ Mỹ Thuận đến Vàm Cống. Trên những con phà Sông Tiền sông Hậu, trong đêm trăng, lục bình trôi rạt rào sóng vỗ, tiếng hát Lam Phương bay cao cùng với Út Trà Ôn xuống vọng cổ 6 câu. Bỏ lại phía sau là ánh đèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ. Dòng sông chia đôi ngả. Ai về gia định Đồng Nai thì về. Hai mươi mốt năm duyên nợ Saigon. Đã có nhà thơ nhớ pho tượng lính, nhớ nhà hàng Xanh. Bây giờ đã 32 năm xa Saigon, tôi bèn đi tìm lại những hình ảnh xưa. Như ông già lục hồ sơ gia phả để tìm hiểu người tình cũ.
     Bên kia bờ đại dương, Việt Nam vừa mới tổ chức kỷ niệm Saigon năm 300 tuổi. Tôi có xem hình ảnh qua đĩa DVD. Nhưng chưa đủ. Bèn tìm lại tất cả các phim ảnh có hình bóng Saigon. Saigon thật xưa với phim Người Tình (The Lover). Saigon thời Tây với phim Indochine và Saigon thời Mỹ với phim The Quiet American.
Xem phim không phải để theo dõi chuyện phim, mà để nhìn ngoại cảnh.
*Saigon 1950:
     Người Mỹ Trầm Lặng là câu chuyện của Saigon thời đổi ngôi. Tây đi Mỹ đến. Từ Tây Ninh về đến Saigon. Những trận chiến tranh cuối cùng ở Châu Thổ sông Hồng. Nhà hàng Continental ngó ra nhà hát lớn trên đường Catinat. Những xung đột giáo phái Cao Đài, Bình Xuyên, Hòa Hảo từ 50 đến 54. Hình ảnh Saigon của tuổi 20 mới bén duyên tao ngộ. Cuốn phim The Quiet American có 2 ấn bản. Tôi xem lại cả 2. Như mở cuốn album gia đình xem hình quê hương cũ. Phim phỏng theo tác phẩm của Graham Greene. Ấn bản đầu quay năm 1958 với tài tử Mỹ. Ấn bản sau năm 2002 có tài tử Việt Nam là Đỗ thị Hải Yến đóng vai chính. Một số quí vị cao niên sẽ tìm thấy những hình ảnh gần gũi của thời niên thiếu.
*Saigon 1940:
     Thêm 1 bước đi vào quá khứ để gặp phim Indochine ra đời năm 2002 với tài tử Pháp danh tiếng là Catherine Deneuve đóng vai bà chủ đồn điền người Pháp và 1 tài tử Việt nam đóng vai cô con nuôi. Đây là phim của Pháp với những hình ảnh không còn tìm thấy của Saigon 1940. Cuộc tình tay ba giữa mẹ con và chàng sỹ quan Pháp trẻ tuổi. Hình ảnh xã hội Tây thuộc địa Nam kỳ khi cuộc kháng chiến bùng nổ sau Đệ nhị Thế chiến. Tên gọi là cuộc chiến Đông Dương lần Thứ nhất. Hình ảnh Saigon diễm lệ của Thập niên 40. Hình ảnh của phim nầy tuyệt hảo. Những ánh đèn của người phu đồn điền đi cạo mủ. Địa danh lạ lùng như Dầu Tiếng, Lộc Ninh ngày xưa đã trở thành An Lộc, Bình Long quen thuộc sau này. Chuyến đi tìm người yêu của cô bé mới lớn. Những con đường Việt Bắc và hình ảnh tuyệt vời của Vịnh Hạ Long. Rồi đến khi kháng chiến thành công, cuộc chia tay của người mẹ bỏ lại Saigon với hàng chữ Indochine đầy kỷ niệm. Đây là một Saigon trác tuyệt làm nền cho cả cuốn phim với biết bao giải thưởng quốc tế.
*Saigon 1920:
Rồi sau cùng, lạc bước vào lịch sử thật xa của Thập niên 20 qua hình ảnh Saigon trong phim Người Tình “The Lover”. Saigon bỏ học đem nhau vào Chợ Lớn. Cuộc tình mới lớn của em bé Việt lai Pháp với anh công tử hậu giang gốc Tàu. Vĩnh Long gặp Sa Đéc. Cành bến phà Mỹ Thuận của năm 1920. Lạ lùng và hấp dẫn biết chừng nào. Đám cưới Tàu trên sông nước Hậu giang. Hình ảnh nội trú trường nữ theo chương trình Pháp tại Saigon. Một Saigon thần bí huyền ảo hiện về. Cặp tình nhân trẻ ái ân bên trong căn phố với bên ngoài là tiếng ồn ào của một Chợ Lớn đầy sinh động. Đến bao giờ mới tìm thấy lại một Saigon đầy ẩn dụ như thế.

The Lover cũng do người Pháp thực hiện năm 1992 phỏng theo tác phẩm xuất bản 1984. Tác phẩm nầy được dịch ra 43 ngôn ngữ với hình thức hồi ký của nhà văn nữ Marguerite Duras. Vai nữ là 1 thiếu nữ lai rất xuất sắc Jane March. Nếu đi thuê phim cũ, có thể chỉ tốn vài đồng bạc ta có ngay một đĩa DVD tiếng Anh, tiếng Pháp có đầy đủ phụ đề. Sẽ khám phá ra cả 1 chân trời cũ của Saigon muôn thuở. Được như vậy Một chút Saigon chúng ta đem theo mới đậm đà ý nghĩa. Đây cũng là ý nghĩa tình cảm của Little Saigon.